Trước đây mẹ có 1 mình, ba có 1 mình sau đó ba mẹ gặp nhau thành lập team 2 người, giờ sắp có thêm Quin Quin thì chúng ta sẽ là 1 team 3 người.
Trước đây mẹ cứ nghĩ tại sao phải có con nhỉ? Sau gần 9 tháng mang thai thì mẹ đã hiểu tại sao mình phải có con rồi.
Con là món quà vô giá mà tạo hóa ban cho mẹ
Mẹ nhớ có câu nói nội dung như sau: Trên đời này vốn không có gì là miễn phí, mình muốn có được thứ người khác không có được thì phải chịu được những việc người khác không chịu được. Tất cả mọi thứ đều phải đánh đổi.
Tạo hóa ban cho mẹ một món quà. Và dĩ nhiên, không có món quà tuyệt vời nào là miễn phí. Để có được món quà tuyệt vời này mẹ phải đánh đổi rất nhiều thứ để được nhận lấy, những cơn nghén lên bờ xuống ruộng, những thay đổi sinh học kinh khủng, mỗi tháng lại có những biến đổi khác nhau, qua giai đoạn khó chịu này lại đến giai đoạn khó chịu khác.
Bù lại, giữa những lúc tinh thần và sức khỏe của mẹ như kiệt quệ thì con lại an ủi, yêu thương mẹ bằng các hoạt động rất đáng yêu như cọ cọ vào thành bụng của mẹ.
Cuộc sống của mẹ thay đổi như thế nào khi có con?
Khi lên kế hoạch cho cuộc sống của 3 người chúng ta thì mẹ nhận ra, Quin Quin thực sự là 1 em bé mạnh mẽ. Em không phụ thuộc 100% vào mẹ em mà em cũng có những chính kiến riêng. Và thi thoảng, mẹ lại mời thanh niên vài tháng tuổi trong bụng họp team để bàn bạc giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Từ lúc khoảng 10 tuần là sáng nào mẹ cũng gọi em dậy đi làm cùng mẹ, để rồi bây giờ là em gọi mẹ dậy đi làm. Sáng nào 2 mẹ con cũng vui vẻ tắm táp để đi làm, mẹ thì vừa tắm vừa hát, con vừa tắm vừa đạp hứng khởi. Mẹ phát hiện ra, Quin Quin giống mẹ, rất thích việc đi làm, nó không chỉ đơn thuần như mẹ hay nói là đi làm kiếm tiền mua sữa mà còn là đam mê trải nghiệm, là phấn đấu trong mọi hoàn cảnh. Tính đến hôm nay khi viết những dòng này là Quin Quin đã 37 tuần tuổi, tương đương 8 tháng rưỡi mà 2 mẹ con vẫn đi làm đều đặn. Mẹ thấy may mắn khi em hợp tác tốt với mẹ trong việc truyền tải đam mê công việc cho Quin Quin.
Không có gì phải bàn cãi, người làm mẹ chịu ảnh hưởng lớn nhất những biến đổi khi cơ thể có thêm 1 sinh linh bé bỏng tồn tại. Máu trong cơ thể con là máu của mẹ, con và mẹ kết nối với nhau bằng sợi nhau thai nuôi sống con. Thi thoảng mẹ hay trách ba con là không quan tâm con, nhưng ba con thực sự đã làm hết sức mình vì người đàn ông họ đâu có biến đổi về sinh học, chỉ có biến đổi về tinh thần thì làm sao họ nhận ra sự liên kết mạnh mẽ này? Ba con sẽ làm theo những hướng dẫn của mẹ để chạm vào con, lắng nghe con, chăm sóc 2 mẹ con mình.
Và rồi, mẹ nhận ra, chúng ta là một team, tiếng việt gọi là một gia đình nhỏ
Trước đến giờ mẹ cứ nghĩ khi mình có con thì sẽ phải chịu 100% trách nhiệm với con. Nhưng rồi mẹ nhận ra đó là quan niệm sai lầm. Thai nhi có mấy tháng tuổi trong bụng mẹ có ý kiến riêng, biết yêu biết ghét, có chính kiến và kỷ luật rất rõ ràng. Con thích ăn gì, con không thích ăn gì. Thời gian đầu con rất bướng, chỉ duy nhất ăn steak, ăn đến khi mẹ nghĩ đến thịt bò đã phát run vì ngán mà vẫn phải ăn vì mẹ đâu ăn được món gì khác. Nhưng rồi con qua giai đoạn đó, con không đòi mẹ nữa, mẹ ăn gì con ăn đó. Thậm chí có những món con thèm nhưng không mua cho con thì thôi, hôm sau hay hôm sau nữa mình ăn chứ không nằng nặc có cho bằng được. Mẹ nghe nhiều người kể mang thai thèm chảy nước miếng nhưng mẹ thì không, phần lớn là do mẹ may mắn khi thèm các món không đắt tiền, có tiền mua, và có điều kiện mua, nhưng còn 1 phần nữa là em bé của mẹ rất biết chuyện.
Mẹ từng sợ các cơn nghén, sợ đến khóc khi ăn xong ói ngay. Mẹ sợ ói lắm, vì ói rất đau, quan trọng hơn là ói xong phải ăn lại. Những lúc đó có khi mẹ nghĩ quẩn không thèm con nữ. Nhưng rồi mẹ đọc sách cộng thêm bác sĩ nói với mẹ, thai nhi sẽ luôn phải trải qua quá trình sàng lọc tự nhiên, em bé nào khỏe mới tồn tại được. À, thì ra em bé của mẹ cũng đang cố gắng mỗi phút giây, con đang đấu tranh sinh tồn trong bụng mẹ. Từ đó mẹ hiểu con hơn, mẹ nhận ra vai trò của mẹ không phải là người khó khăn nhất, mẹ sẽ là hậu phương vững chắc để chiến binh bé nhỏ của mẹ chiến thắng trong cuộc chiến sinh tồn của chính con.
Người ta bảo mang thai cái gì cũng lo, bé đạp nhiều cũng lo, đạp ít cũng lo, có bất cứ thay đổi nào cũng lo. Mẹ cũng từng như vậy. Nhưng mẹ còn công việc, thi thoảng trong những thời điểm tập trung cao độ, mẹ quên mất là con có cựa quậy hay không. Sau đó mẹ cảm thấy hối hận vì quên quan sát con. Nhưng thời gian dần trôi, mẹ cũng học được cách tin tưởng vào em bé của mẹ. Mẹ tin con là một đồng đội của mẹ. Mẹ không còn làm việc một mình nữa mà con sẽ bên cạnh làm việc cùng mẹ. Mẹ căng thẳng, con im lặng suy nghĩ cùng mẹ. Mẹ đi họp, con cũng ý kiến kịch liệt. Mẹ thuyết trình, con im lặng phăng phắc để mẹ hoàn thành tốt. Nhiều bạn bảo thấy mẹ mang thai cũng khỏe có thể làm việc tốt, mẹ cảm thấy trộm vía vì thực sự, con là một em bé nghiêm túc và kỷ luật.
Trước mặt mẹ con mình là cơn vượt cạn quan trọng cùng cả quãng đường dài sau này khi con không trong bụng mẹ nữa.
Mẹ nghe bảo đẻ đau lắm, đau kinh thiên động địa. Mẹ bị ám ảnh đến độ nằm mơ luôn. Nhưng rồi mẹ lại đọc sách và nhận ra, đâu chỉ mình mẹ đau, em bé bé bỏng của mẹ cũng đau đớn và nguy hiểm trong hành trình chào đời gian nan này mà. Chỉ là trong nhiệm vụ này thì mẹ đóng vai trò leader, trách nhiệm của mẹ là giúp 2 mẹ con mình vượt cạn thành công và bình an. Suy nghĩ đó giúp mẹ an nhiên hơn, bình tĩnh hơn và nhiều năng lượng hơn.
Sau cơn vượt cạn thì gia đình nhỏ bé 3 người của chúng ta sẽ bắt đầu một cuộc sống mới. Ba mẹ có thêm một đồng đội bé nhỏ trên đường đời. Mẹ sẽ không dành những điều tốt nhất cho con mà 3 đứa chúng ta sẽ ăn đồng chia đủ. Chúng ta sẽ làm cùng làm, ăn cùng ăn, chơi cùng chơi, mỗi người một nhiệm vụ phù hợp. Chúng ta sẽ cùng lên kế hoạch và thực hiện kế hoạch.
Mẹ hi vọng chúng ta mãi mãi là một team đoàn kết tiến về phía trước.