Series Viết cho bé Quin: Phần 5 – Quin Quin chào đời

0
204

Vào lần khám thai ở tuần 38, bác sĩ bảo đầu Quin Quin còn rất cao, chưa có dấu hiệu gì cả. Và dĩ nhiên, như những lần khám trước, Quin mập quá nên mẹ không được ăn bánh Hỷ Lâm Môn nữa mà chỉ được ăn sữa chua trân châu. Do dự sinh của mẹ là 31.10.2020 nên mẹ dự định sẽ nghỉ việc ở công ty bắt đầu từ ngày 26.10.2020. Tối thứ 2 ngày 19.10.2020, sau khi đi làm về thì mẹ cùng ba đi ăn ốc do mẹ thèm ốc. Sau khi ăn xong về nhà thì mẹ bảo ba con rằng sao chân mẹ đỏ như phát ban. Ba bảo rằng chắc sắp sinh rồi và mẹ nên nghỉ sớm. Đêm hôm đó, 2h sáng mẹ cảm thấy có nước rỉ ra giống như tè dầm nên mẹ vùng dậy lăn ra khỏi nệm. Ba con thấy vậy cũng bât dậy hỏi mẹ chuyện gì vậy. Từ lúc bụng mẹ to thì mỗi đêm khi mẹ giật mình dậy thì ba cũng lật đật dậy và hỏi mẹ có chuyện gì vậy. Thông thường những đêm đó là mẹ buồn tè và cần đi toilet. Nhưng đêm nay thì khác, mẹ chưa kịp trả lời ba con thì ọc ọc…. nước liên tục chảy ra khiến chỗ mẹ ngồi ướt đẫm. Mẹ hoảng quá nói với ba hình như em vỡ ối rồi. Ba bật đèn lên thì bà nội cũng thức giấc và mẹ gọi bác sĩ, bác sĩ bảo vỡ ối rồi và mẹ cần vào viện. Đồ đạc mẹ đã chuẩn bị từ trước khá lâu nên mẹ chỉ cần kiểm tra checklist lại lần nữa thì bà nội và ba hộ tống mẹ rồng rắn lên taxi đến bệnh viện.

Bệnh viện Đại Học Y Dược TPHCM 3h sáng không yên tĩnh như mẹ nghĩ mà lại cực kỳ đông đúc. Các khu vực chờ khám đông kín bệnh nhân. Bảo vệ hướng dẫn mẹ lên lầu 4 khoa sản sau khi làm các thủ tục cần thiết trong mùa Covid.

Đến tầng 4 thì cô điều dưỡng kiểm tra cho biết mẹ đã vỡ ối nhưng tử cung mới nở nhẹ, đầu bé còn rất cao và làm thủ tục nhập viện cho mẹ. Mẹ thay bộ đồ của bệnh viện và hành trình khổ sở 18 tiếng chính thức bắt đầu.

Sau khi được vào giường thì mẹ lập tức nhắn tin cho sếp và các đồng nghiệp để thông báo tình huống và xin phép chính thức nghỉ thai sản. Lúc này mẹ vẫn còn rất tỉnh vì vừa chưa đau bụng vừa hồi hộp. Mẹ chỉ khó chịu khi phải chịu đựng máy đo tim thai.

Một tiếng trôi qua, 3 tiếng trôi qua… Người ta mang bữa sáng vào, mẹ ăn sáng rất ngon. Sáu tiếng nữa trôi qua, người ta lại mang bữa trưa vào, quào, buổi trưa rất nhiều thức ăn và mẹ ăn hết. Chỉ một thời gian ngắn, những cơn đau bụng bắt đầu nặng hơn và liên tục. Y tá điều dưỡng kiểm tra tình trạng mẹ vài tiếng một lần và đều bảo chưa nở mấy. Mẹ nằm đó, nghe tiếng các em bé khóc, nghe tiếng các sản phụ khác la hét mà mẹ sợ run.

Giữa buổi chiều, họ truyền thuốc giục sinh cho mẹ. Những cơn đau dồn dập khiến mẹ bỏ cuộc trong việc từ chối giảm đau và họ đưa mẹ đi gây tê tủy sống. Khi mũi kim chọc vào tủy sống mẹ thực sự rất buốt nhưng sau đó cảm giác man mát khiến mẹ dễ chịu hơn.

Nhưng mọi thứ chỉ dễ chịu hơn đến tầm 6h tối. Lúc này mẹ rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mơ, nhưng những cơn đau trở nên khó chịu hơn bao giờ hết. Đến 7h tối thì mẹ sốt. 9h tối bác sĩ vào khám cho mẹ thì nước mắt mẹ rơi rơi, mũi nghẹt cứng và mẹ kiệt sức. Đã 17 tiếng trôi qua với 2 bữa ăn, bụng tê cứng vì chịu đựng máy đo tim thai, chân không để đi vì đã tiêm gây tê và những cơn đau dai dẳng vì được truyền thuốc giục sinh.

Hơn 9h tối, họ đẩy mẹ vào phòng sinh. Lúc này ba con cũng được vào. Cuộc chiến của 2 mẹ con mình bắt đầu khi mẹ được đưa lên bàn sinh. Các nữ hộ sinh tiếp tục kiểm tra tình trạng và khẳn định với bác sĩ rằng mẹ có thể sinh thường. Mẹ nói với bác sĩ mẹ quá mệt và mẹ rất đau cổ. Lúc này, bác sĩ gây tê xuất hiện để kiểm tra tình trạng và cho thêm thuốc. Bác sĩ yêu cầu mẹ rặn, mẹ đã đọc nhiều bài về rặn đẻ nên cứ thế áp dụng. Nhưng mẹ đã kiệt sức và đau cổ. Tim thai giảm liên tục. Lúc này, các cô y tá gỡ máy đo tim thai và trèo lên bụng mẹ để đẩy em bé ra. Được một lúc thì tình huống chỉ khả quan lên một chút. Lúc này, bác sĩ yêu cầu gắn lại máy đo tim thai để kiểm tra nhịp tim của em bé. Nhịp tim của Quin Quin khiến bác sĩ cũng hơi lo lắng khi nhanh chậm hập hững theo từng nhịp rặn của mẹ. Ekip đỡ sinh cho mẹ từ 4 người tăng lên thành 8 người. Bác sĩ bắt đầu rạch tầng sinh môn của mẹ. Lúc này tình hình vẫn không tiến triển hơn mấy, bác sĩ nhẹ nhàng nói với mẹ rằng nếu bây giờ mà mổ thì khủng khiếp lắm vì rạch thì cũng đã rạch rồi. Mẹ im lặng tiếp tục rặn, nuốt lại câu bác sĩ ơi, em bỏ cuộc vốn định thốt ra cả trăm lần. Cuối cùng sau bao nỗ lực thì Quin Quin cũng chào đời, giây phút em được đặt lên người mẹ, em ngước nhìn mẹ, mẹ thực sự choáng váng vì xúc động. Các nữ hộ sinh bế em ra lau người và đi cân. Bác sĩ yêu cầu y tá cho thở oxy và đưa Quin Quin vào phòng dưỡng nhi vì Quin khóc quá yếu. Mẹ cũng nhận ra vấn đề này. Quin khóc yếu và 2 tiếng khóc cách nhau khá lâu. Bác sĩ bảo ba đi theo Quin, còn mẹ ở lại để bác sĩ khâu các đường may.

Mẹ tạm dừng đây để kể 2 câu chuyện ngắn. Chuyện đầu tiên, là trước ngày sinh Quin mẹ từng mơ thấy mình đi sinh, nhưng là sinh mổ. Khi bác sĩ đưa Quin ra khỏi người mẹ thì Quin cũng không khóc. Mẹ mới bảo bác sĩ đánh cho Quin khóc thì Quin lườm mẹ bảo từ từ khóc, sao lại đánh người ta, gấp gì gấp dữ vậy 🙂 🙂 Hung dữ trong mơ luôn ấy.

Câu chuyện ngắn thứ 2 là chuyện nghề bác sĩ. Mẹ nghĩ rằng, nghề cứu người không nên chỉ gọi là nghề mà còn là nghiệp. Cái nghiệp đeo bám dai dẳng khiến những người làm trong nghề y thì hầu như cuộc sống cá nhân chỉ là phụ khi thời gian, công sức, tâm huyết họ đã dành hết công việc. Hôm mẹ sinh Quin là 20.10, bác sĩ vừa khâu cho mẹ vừa kể về 2 đứa con phàn nàn chị ấy rằng một năm chỉ có 1 ngày 20.10 mà mẹ không ở nhà ăn cơm được. Chị bác sĩ vừa kể vừa cười, nhưng mẹ nghe trong sâu thẳm của chị ấy cũng là một người mẹ, có người mẹ nào không muốn ở cạnh với con mình mọi phút giây nhưng dường như nghiệp lớn hơn khiến chị ấy dứt lòng.

Mẹ nằm đó nói chuyện với bác sĩ. Sau khi hoàn tất thì mẹ được đưa trở lại phòng hậu sản và bà nội chăm sóc mẹ. Đêm đầu tiên con không ở cạnh mẹ khiến mẹ buồn ghê gớm. Dẫu biết rằng con ở phòng dưỡng nhi điều kiện cực kỳ tốt, nhưng mẹ thương con vì vừa ra khỏi bụng mẹ đã nằm cô đơn ở một căn phòng lạ lẫm mà không có mẹ bên cạnh. Mẹ nhớ con vô cùng.

Sáng hôm sau thì 10h con được bác sĩ trả tạm về cho mẹ. Sau này mẹ mới biết họ gọi tình huống của con là suy hô hấp sơ sinh. Quin Quin uống sữa công thức từ trong phòng dưỡng nhi, và mẹ cũng không có giọt sữa nào. Do không có phòng nên mẹ con mình được ở lại phòng hậu sản đến tầm chiều mới được xuống phòng. Giờ này khi ngồi viết những dòng này thì cái cảnh Quin bế thì ngủ thả xuống thì khóc ngay đêm đầu tiên ở cạnh mẹ khiến mẹ quá sức mệt mỏi. Cứ thế con nằng nặc đòi nằm trên tay mẹ hoặc tay ba, và ba mẹ hiển nhiên có một đêm vất vả. Sáng hôm sau , các cô gọi mẹ đưa con lên đi tắm và lấy máu xét nghiệm. Con phải đến phòng dưỡng nhi 1 lần nữa để bác sĩ kiểm tra. Thời gian chờ đợi như dài vô tận, đến khi con được trả về với mẹ thì mẹ mới thở phào nhẹ nhõm. Mẹ thấm thía câu nói, cái gì cũng có giá của nó. Mẹ đã cầu mong cho con được khỏe mạnh và cái giá phải trả là mẹ có một Quin Quin siêu khó chịu, hành mẹ tất bật ngày đêm. Nhưng mẹ chấp nhận, miễn là con khỏe mạnh, vui vẻ và hạnh phúc.

Tầm 5h chiều ngày hôm đó thì chúng ta được về nhà, kết thúc hành trình 39 tuần thai và bắt đầu một hành trình mới của mẹ và em bé Quin Quin.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.