Bạo lực học đường có thực sự khủng khiếp?

0
116
choi non xinh dep

Không hiểu sao mình luôn dùng từ “bắt nạt học đường” thay cho “bạo lực học đường” vì với những cô cậu áo trắng tinh khôi kia mà dùng từ bạo lực thì mình cảm thấy đáng sợ.

Dạo gần đây, có một bộ phim Hàn Quốc rất nổi tiếng nói về hành trình trả thù của một cô gái bị bạo lực học đường. Khi lớn lên, cô bé bị bạo lực năm nào đã trở thành một cô giáo, dạy đúng lớp của con gái người từng bắt nạt cô. Câu chuyện mở ra, cô gái lần lượt trả thù từng người trong hội bạn đó. Nội dung phim sơ sơ vậy thôi, bạn muốn xem thêm thì có thể xem trên Netflix hoặc các nền tảng khác, còn mình nói về chuyện từng xảy ra với mình hoặc mình được chứng kiến.

Năm mình học cấp 1, vì một lý do gì đó mình không thể nhớ nổi mà tự dưng mình bị cô lập. Chỉ có một người bạn chơi với mình, bạn tên là Truyền. Tụi mình học ngày 2 buổi, còn Truyền không đăng ký học buổi chiều nên buổi chiều mình đi học một mình. Dù vậy, chiều nào Truyền cũng vào trường, đứng ngoài lớp nói chuyện với mình vào giờ ra chơi. Tình trạng cô lập này diễn ra chỉ vài hôm, xong rồi mọi thứ trở nên bình thường. Mình cũng đã quên mất chuyện này, cho đến khi xem được bộ phim nói trên, mình nghĩ rằng rất nhiều bạn đã hoặc đang chịu cảnh bạo lực học đường hoặc bắt nạt học đường với nhiều mức độ khác nhau.

Trường học như một xã hội thu nhỏ, dù mặc cùng một trang phục nhưng tầng lớp thì khác nhau.Có nhiều lý do khiến bạn bị bắt nạt, đa phần đều là vì bạn khác với phần còn lại. Bạn nghèo hơn họ, bạn xinh hơn họ, bạn mập hơn họ, bạn học giỏi hơn họ…. Gần đây mình có xem 1 clip ngắn ở trường mầm non, khi mà một nhóm khoảng 4 bé ngồi vây quanh xô, đẩy một bé ngồi giữa. Bé ngồi giữa co rúm và không hề phản ứng lại, không biết các bé đang chơi trò chơi hay thực sự là bị bắt nạt mà các cô giáo không hề chú ý đến. Theo mình, việc bắt nạt và bị bắt nạt đều xuất phát từ tâm lý lệch lạc, một bên muốn thể hiện và một bên xem chịu đựng là sự hiển nhiên.

Bên bắt nạt thì lại chia làm 2 nhóm, nhóm 1 từ nhỏ đã được cưng chìu, cung phụng, nhỏ thì bắt nạt động vật nhỏ như chó con, mèo con, lớn hơn thì bắt nạt các bạn nhỏ hơn, lớn hơn nữa thì bắt nạt những người yếu thế hơn mình. Nhóm 2 có hoàn cảnh ngược lại, từ nhỏ không được yêu thương, lêu lổng nên bắt nạt để thỏa mãn cái tôi, thỏa mãn mong muốn thể hiện sức mạnh của bản thân.

Bên bị bắt nạt cũng chia làm 2 nhóm, nhóm 1 cũng từ nhỏ được cưng chìu, nhưng chiều hướng tâm lý lại phát triển theo hướng được bảo bọc quá nên… nhát, cái gì cũng sợ, bị bắt nạt cũng không dám phản kháng. Nhóm 2 cũng từng nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, trở nên sợ hãi với mọi thứ, luôn thu mình lại và cảm giác không có chỗ dựa nên họ cũng không dám phản kháng.

Trở lại với bộ phim mình vừa giới thiệu từ đầu bài, khi phim trình chiếu và gây được tiếng vang, các nhà bình luận nào đó đưa ra chủ đề rằng có phải phim cổ xúy cho việc trả thù tiêu cực? Theo mình thì đây là các thánh sống online nữa rồi, khi bị bắt nạt dai dẳng mà không có tâm lý trả thù hay phản kháng thì mình mới thấy bất thường. Quan điểm cá nhân mình hệ lụy của bạo lực học đường sẽ trở nên thực sự tồi tệ khi người bị bắt nạt đi bắt nạt người khác, tạo thành một chuỗi kế thừa đầy đau khổ.

Trẻ em vốn là tờ giấy trắng, nhưng chất liệu giấy cũng khác nhau, có giấy mỏng, giấy dày, giấy mềm mịn, giấy thô ráp, quan trọng là người lớn, cụ thể là gia đình và nhà trường định hướng cho giấy được vẽ đúng. Còn bạn, bạn đã từng bắt nạt hoặc bị bắt nạt? Hãy cùng chia sẻ về vấn đề này nhé!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.