Những năm tháng sinh viên

0
847
dai hoc can tho

Bài này sẽ rất là dài, rất nhiều tình cảm. Nếu bạn là người trân trọng những kỉ niệm xưa cũ thì hãy cảm nhận cùng mình nhé! Mình cũng rất sẵn lòng được nghe những năm tháng sinh viên của bạn.

Về mình – phiên bản sinh viên

18 tuổi, mình rớt đại học. Thật ra, mình vốn học tương đối khá, nhưng rồi từ khi lên cấp 3, mình phát hiện ra, hoàn cảnh của mình không bình thường. Đó là khi ba mẹ mình làm ăn sa sút, gia đình rơi vào hoàn cảnh khốn khó. Mình không bao giờ quên được những hôm trong nhà chỉ có chưa đến 10k. Tâm lý mệt mỏi, thiếu thốn, cuộc sống chật vật khiến một cô bé vốn nhạy cảm như mình kiệt sức.

Như bao bạn trẻ khác, mình thích kiếm tiền nên chọn thi kinh tế, nhưng rồi mình rớt. Ôn luyện lại một năm thì mình đậu vào ngành Anh Văn của ĐH Cần Thơ. Lúc luyện thi thì mình sống với anh chị, sau khi đậu xong thì chị mình nói khéo cho mình ra ngoài ở. Con bạn cùng lớp rủ mình về ở chung với bọn bạn nó. Đó là một căn phòng cũng không rộng rãi lắm nhưng 4 đứa ở thì cũng vừa đủ. Đây là khu nhà trọ được xây theo hình chữ U với đa số người thuê trọ là sinh viên quê Trà Vinh vì các bạn truyền miệng, rủ nhau ở cùng để tiện hỗ trợ nhau. Bốn đứa con gái sống chung thì có vui có buồn. Mình với con bạn chung lớp tên T là thân nhất. Tính hai đứa đều dễ chịu, lại nhường nhịn nhau nên sống chung 4 năm mà phát sinh tranh cãi có 1 lần thôi. Lần đó hai đứa cũng nói chuyện học văn bằng 2, đứa này sợ đứa kia chọn sai ngành, thế là lớn tiếng, vậy thôi! Bản thân mình vốn vụng về, lại không tinh ý nên lúc trước chị mình hay phàn nàn. Chính vì vậy, khi ra ngoài sống với bạn bè, mình đã rút kinh nghiệm và cố gắng rất nhiều. Sống chung với bạn cùng lớp thì có thể cùng học cùng chơi, nhưng thật tình là chơi nhiều hơn học hihi. Chủ nhà trọ kinh doanh mai kiểng nên bọn mình hay rủ rỉ nhau ra vườn mai trò chuyện. Đó là những đêm ngắm trăng nói chuyện gia đình, chuyện tình yêu, chuyện ước mơ.

Khi mới vào năm nhất, mình hay về nhà lắm. Hoàn cảnh khó khăn khiến mình cảm thấy không còn muốn đi học nữa. Bọn mình học theo cơ chế tín chỉ, tự đăng ký học phần nên trừ học kỳ đầu trường sắp xếp mặc định thì những học kỳ sau đó, không phải lúc nào cả lớp cũng học chung nhau. Có lần lướt ngang nhau trên hành lang, lớp trưởng níu mình lại và hỏi sao mình hay nghỉ học vậy. Mình cũng cười bảo mình có việc gia đình, mình sẽ nhanh chóng ổn thôi. Lúc đó, mình không ý thức được là mình đã bị trầm cảm. Mình không dám chia sẻ với mẹ, vì mẹ mình rất là vất vả. Hơn nữa, mẹ mình cũng thuộc tuýp phụ nữ truyền thống nên sợ đủ thứ, sợ mình không lo học, sợ mình học không giỏi. Lúc mình luyện thi, không ít lần mẹ than thở vì mình không đậu đại học khiến mình cảm thấy tổn thương ghê gớm.

May mắn sao, khi bước qua học kỳ hai thì mình bắt nhịp được cuộc sống mới. Mình đi đánh cầu lông, đi học nhóm. Bụt chùa nhà không thiêng nên mình với T ít học với nhau. Hai đứa mình mà xáp lại là tám chuyện chứ học hành nhiêu đâu. Sáng hai đứa đi học với nhau, trưa về nấu cơm ăn. Ăn xong thì ngủ trưa, rồi chiều có tiết thì đi học, không thì ở nhà ngủ tiếp hoặc lên trường học nhóm. Chiều bọn mình đi đánh cầu lông, sau đó về ăn cơm rồi tụ tập ở phòng chơi hoặc dạo phố. Mình ở ngay đường Mậu Thân vốn được xem là chợ đêm sinh viên Cần Thơ với nhiều quầy quần áo, trang sức, túi xách nên tha hồ mà đi ngắm nghía, lựa chọn.

Mỗi tuần mẹ cho mình 200k-250k. Cuối tuần thì mình đạp xe qua Phà Cần Thơ, xong cả người lẫn xe trèo lên xe buýt ngồi đến bến xe Vĩnh Long rồi tiếp tục đạp về nhà. Đến chủ nhật lại đạp ngược lại.

hoi truong lon

Trường mình

Đại học Cần Thơ rất là rộng, ngoài 3 khu lớn thì còn nhiều trung tâm và khu vực khác. Trong đó khu I ngoài một số phòng học chuyên ngành kinh tế, còn lại phần lớn không gian là ký túc xá của giảng viên. Khu III là khu dành cho ngành công nghệ thông tin và các sinh viên thuộc chương trình liên kết liên quan ngành CNTT. Còn lại khu II là khu chính với toàn bộ nhà học của các khoa, sân vận động, hội trường lớn và ký túc xá. Trước ĐH Y Dược Cần Thơ cũng nằm trong này nhưng sau đó tách dần rồi dọn hẳn qua cơ sở mới. Hiện nay, ĐHCT cũng đã có thêm trung tâm đào tạo sau đại học khá oách xà lách. Lần gần đây nhất mình ghé thăm ĐH CT cũng là 3 năm trước (2014) nên chẳc hẳn bây giờ cũng đã có nhiều thay đổi.

Trường rộng nên có cả trung tâm ngoại ngữ, có sân bóng đá, sân cầu lông, sân bóng chuyền (khoa Giáo dục thể chất), có trung tâm thú y (Khoa Thú Y), có luôn cả ruộng lúa (khoa nông nghiệp), hồ nuôi trồng thủy sản (khoa thủy sản). Ký túc xá có nhiều dãy, gồm ký túc xá trường xây và ký túc xá của từng tỉnh hỗ trợ xây phục vụ cho sinh viên của tỉnh mình.

Chính vì diện tích trường rất rộng nên mỗi ngày đi học là bọn mình phải đạp xe vào bãi xe cạnh nhà học luôn. Chứ bạn đừng mộng mơ chuyện gửi xe ở cổng trường nhé, trường có đến tận ba cổng A, B, C nên cũng hông có chuyện gửi xe cổng này rồi đi qua cổng kia mà còn khỏe đâu nha. Dĩ nhiên, trong một số trường hợp, 2 tiết đầu gửi xe ở nhà học này, đến giờ ra chơi lại lấy xe ra rùi ù chạy qua bãi xe nhà học khác, gửi xe rồi vào học 3 tiết cuối là chuyện bình thường. Năm nhất mình vào, mỗi lần gửi xe đạp là 200đ, sau đó lên 500đ đến lúc mình ra trường luôn í. Mà sinh viên Cần Thơ đi xe đạp là nhiều, một phần vì hoàn cảnh khó khăn, một phần khác là vì các bạn đa phần ở  trọ gần gần trường nên đi xe đạp cũng rất tiện. Đường phố lại rộng rãi nên ít có kẹt xe lắm. Trong lớp mình năm đó, cũng chỉ có vài bạn đi tay ga, vài bạn đi xe 50, còn lại là đi xe đạp hết.

Trong trường có căn tin, có quán nước mía, có các xe đẩy bán bánh kẹo, nước ngọt nên cũng tiện việc ăn uống giữa giờ. Giá thức ăn, nước uống đều rất mềm mại, cơm thì khoảng 15k, nước thì 5-8k. Kỷ niệm vui nhất là mình và T cùng đi học một môn, cùng một nhà học nhưng khác giảng viên và khác phòng học. Đến giờ ra chơi, bọn mình đi ngang nhau, mình mới mua cái bánh ngọt, đang cắn được mấy miếng thì tiện tay đút cho nó cắn. Thân thiết nhau quá nên hai đứa ăn chung cái bánh cũng không vấn đề gì. Cơ mà nó cầm luôn cái bánh đi mất, mình ớ ra vài giây, sau đó vừa cười vừa rượt theo đòi lại cái bánh. Rảnh dễ sợ luôn!

Lớp mình

Như mình đã chia sẻ phía trên, lớp mình là lớp Anh Văn. Nói đến đây thì các bạn cũng biết là âm thịnh mà dương suy. Năm đó, ngành mình có 4 lớp, lớp mình là A1, tổng 34 sinh viên thì có đến 30 nữ. Một bạn nam được mời làm lớp trưởng và cho đến tận khi ra trường, bạn ấy vẫn chưa bao giờ được chấp thuận từ chức dù gào thét rất nhiều lần hehe. Bạn lớp trưởng thì rất là ga lăng, hiền và dễ thương lắm. Cô cố vấn học tập (tức giáo viên chủ nhiệm) thì cực kỳ cute và rất ngọt ngào. Ngặt nỗi, 4 năm đại học, lớp mình không có được may mắn được cô dạy học phần nào cả. Hồi xưa đi học mấy bạn chia tổ như thế nào, lớp đại học mình chia tổ theo tỉnh. Ví dụ như mình thuộc tổ Vĩnh Long, còn các bạn Trà Vinh gom 1 tổ, Bạc Liêu gom 1 tổ, Cần Thơ gom 1 tổ.

Lớp mình rất hòa đồng. Suốt 4 năm chưa hề chia bè kết phái, chia rẽ nội bộ. Nhưng có điều, phần lớn thành viên lại không hào hứng với các hoạt động đoàn của trường (trong đó có mình) nên lớp mình ít hoạt động đoàn thể. Tuy có 4 nam nhưng những ngày lễ, các bạn nữ vẫn được tổ chức đàng hoàng. Có hoa hồng, có đồ ăn vặt, có nước uống. Có những anh chàng ôm đàn ghita đệm cho các bạn nữ hát. Do tự đăng ký học phần nên cả lớp chỉ gặp nhau vào dịp họp lớp. Nếu họp lớp ngay sinh nhật của bạn nào thì bạn ấy sẽ có bánh kem xinh xắn và cả lớp sẽ hát happy birthday mừng tuổi mới cho bạn.

Thầy cô mình

Trường ĐH có một thầy hiệu trưởng và đến 5 phó hiệu trưởng phụ trách các mảng khác nhau. Trong đó có thầy Xê là thân quen với sinh viên nhất vì thầy phụ trách đời sống sinh viên và đào tạo đại học. Mình nhớ năm đó, còn một thầy Phó Hiệu Trưởng chuyên đào tạo nữa mà nhất thời giờ mình lại hóa cá vàng nên không nhớ được thầy tên gì. Mình thật là xấu hổ.

Mình cảm thấy các thầy ở phòng đào tạo cực kỳ thương sinh viên.

Thầy X luôn là người gần gũi với sinh viên. Điều này thì với một đứa ít quan tâm đến các hoạt động ngoài việc học như mình cũng biết rất rõ. Mỗi khi có việc cần lên phòng đào tạo, phòng công tác sinh viên, bọn mình đều được hướng dẫn và giải quyết cho nhanh chóng.

Mình nhớ có lần mình gặp vấn đề với kế hoạch học tập. Mình gọi điện lên phòng đào tạo thì chị nghe máy không biết cách giải quyết thì cho mình số điện thoại của thầy phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo. Cầm số điện thoại của thầy mà mình đắn đo mãi không biết có nên gọi không. Cuối cùng mình vẫn gọi, sau khi tự giới thiệu là sinh viên ngành Anh Văn Khóa Kxx (mình xin phép không tiết lộ khóa mình học nhé) thì thầy rất nhiệt tình và hướng dẫn mình. Sau đó khá lâu, thì mình lại gặp vấn đề với kế hoạch học tập lần nữa. Lần này mình gọi nhưng thầy bấm bận máy. Mình chưa kịp thất vọng thì thấy tin nhắn của thầy “Đang họp”. Mình nhắn tin lại, mình tự giới thiệu và nói rằng mình có vấn đề về kế hoạch học tập muốn hỏi thầy có được không ạ? Thầy nhắn tin lại ngay sau đó “Được”. Rất may là sau đó, mình đã tìm được cách giải quyết vấn đề và không phải phiền đến thầy. Nhưng mình thật sự cảm thấy, mình rất may mắn khi được vào một ngôi trường tốt đến như vậy. Một ngôi trường có hàng ngàn sinh viên, nhưng một thầy hiệu phó vẫn có thể lắng nghe điện thoại của một sinh viên, hướng dẫn sinh viên ấy giải quyết rắc rối thì chúng ta còn đòi hỏi gì ở giáo dục nữa?

Trong ký ức của mình thì cơ sở vật chất của ĐH Cần Thơ cũng không hề tệ. Đặc biệt là trung tâm học liệu, hội trường, khoa Nông Nghiệp hay khoa Sư Phạm. Tuy nhiên, phòng đào tạo và khu hành chính nằm gọn giữa khuôn viên khu II thì lại cũ kỹ. Điều này khiến mình không khỏi suy nghĩ rằng bao nhiêu tiền của trường đã ưu tiên dành để xây nhà học, mua thiết bị, hỗ trợ học phí và chăm lo cho sinh viên hết rồi.

Mình cảm thấy cố vấn học tập của mình cực kỳ thương sinh viên.

Mình chưa từng biết đến tiêu cực trong nhà trường. Mình chỉ biết, những dịp lễ lộc, lớp mình cũng chỉ hùn nhau mua tặng cô cố vấn chủ nhiệm một xấp vải áo dài mà thôi. Tết thì ban cán sự mua ít bánh kẹo đến biếu cô. Thỉnh thoảng, cô còn mời bọn mình về nhà nấu nướng vì nhà cô cũng rộng. Thủ quỹ mua thực phẩm, rau củ quả đến nhà cô nấu lẩu cho cả lớp liên hoan thì cô còn phụ thêm thức ăn nữa. Sinh viên đứa nào cũng nghèo, nếu có tiền thì cũng là tiền của ba mẹ nên bọn mình cũng rất tiết kiệm. Nhưng may mắn thay, mua điểm, mua bằng mình còn chưa từng nghe đến chứ đừng nói là biết quy trình. Mình có một thời sinh viên sạch sẽ và ấm áp đúng nghĩa. Chính vì vậy, mình mang ơn thầy cô rất nhiều!

Tính của mình hiện tại cũng giống cố vấn học tập của mình. Trách nhiệm lớn nên luôn muốn hoàn thành tốt nhất công việc. Cô phụ trách duyệt kế hoạch học tập nên cô dặn bạn nào muốn sửa đổi gì thì báo cô liền để cô duyệt ngay, chứ đợi thông báo lâu lắm, sợ trễ việc của các bạn. Mình bây giờ cũng vậy, ai cần mình hỗ trợ gì gấp thì cứ báo mình ngay, mình giải quyết liền. Mình luôn sợ mình khiến người khác bị trễ việc.

Mình cảm thấy thầy cô bộ môn của mình cực kỳ thương sinh viên.

Mình thuận lợi học hành rồi tốt nghiệp mà không hề gặp một trở ngại nào cả. Dù rằng đó là năm đầu bị sốc tâm lý hay là 2 năm cuối mải mê kiếm tiền. Thầy cô dạy cho mình những chuyện rất hay bên ngoài giáo trình.

Thầy dạy một học phần (mình xin phép không tiết lột học phần) kể cho mình nghe Cần Thờ xưa như thế này, thời sinh viên thầy ăn bí đỏ quanh năm suốt tháng khổ sở ra sao. Rằng thầy có cơ hội du học tiền sĩ nhưng rồi thầy không đi. Lý do là vì thầy có 2 con trai, và 2 con trai của thầy không phải đợi thầy đi học về rồi mới lớn lên. Thầy sẽ bỏ lỡ nhiều khoảnh khắc của con mà tiền bạc hay học vị không mua lại được. Lời thầy theo mình đến giờ, là kim chỉ nam mỗi khi mình phải lựa chọn. Lựa chọn không bao giờ là dễ dàng, nhưng luôn sẽ có một cái nặng hơn cái còn lại. Và mỗi người sẽ có những ưu tiên riêng.

Hôm nọ, cô dạy một học phần khác vào lớp cùng với một túi ni lông, trong đó có bánh kẹo và một lốc sữa. Bọn sinh viên bọn mình trêu cô quá chừng. Thì ra là quà trung thu của nhà trường cho con của cô. Mình nghe cô nói với giọng rưng rưng, trân trọng mà mình biết được không chỉ sinh viên, mà cả giảng viên cũng rất yêu thương ngôi trường này. Quà trung thu không có gì cao sang, có mỗi một lốc sữa tươi cùng ít bánh kẹo nhưng lại ấm áp biết bao. Chỉ cần nhìn cách người nhận trân trọng món quà thì bạn cũng biết được người tặng đã đặt biết tình cảm vào đó. Cậu bé con của cô chắc sẽ rất vui.

Thời gian dần trôi, bọn mình phải đi thực tập. Thực tập của ngành ngôn ngữ rất dễ chịu. Chỉ là đi Đà Lạt 5 ngày 4 đêm tham quan phong cảnh, thuyết trình bằng tiếng Anh cho thầy cô hướng dẫn góp ý và viết bài thu hoạch. Cả ngành toàn bánh bèo nên thầy hướng dẫn của mình bảo, chỉ cần đi về mà không ói là thầy cho A hết hihi.

Nhà trường tiết kiệm chi phí cho sinh viên tối đa nên tài trợ luôn tiền xe di chuyển. Sinh viên chỉ đóng tiền ăn, tiền vé tham quan. Tổng mình nhớ mình đã đóng gần 800k (hay 900k gì đó, nhưng không hơn 1tr). Những ngày ở Đà Lạt, mình cảm thấy là thầy cô rất thương bọn mình luôn. Đoàn đến nhà hàng của khách sạn đã là bữa tối, bọn mình sau cả ngày ngồi xe nên đói bụng quá chừng, loáng cái là hết thức ăn. Nói câu công bằng thì các đĩa thức ăn đều rất ngon nhưng rất ít, có thể là do trường đã đặt phần ăn giá tương đối thấp. Hôm đó nhà hàng cho ăn món gà kho sả. Thầy hướng dẫn mình nói với anh phục vụ, em có thể cho thêm nước kho gà không, các bạn ăn chưa no. Mình thấy vậy nên không ăn nữa, tự nhủ nếu đói thì tối kiếm cái gì khác để ăn, dành phần cho các bạn nam. Hôm sau thì đoàn mình chuyển đến quán cơm bình dân hơn nên thức ăn cũng đủ đầy hơn. Mỗi bữa ăn là một lần thầy cô phải chạy tới chạy lui lo cho lũ sinh viên đã lớn nhưng vẫn nhộn nhạo. Ghép bàn cho đủ 10 người, chưa có cơm, chưa có rau, chưa có nước uống cũng là thầy gọi phục vụ. Đến khi cả bọn ăn no rồi lăn để về khách sạn nghỉ ngơi thì thầy cô mới ngồi vào bàn.

Có một tối nọ, mình lang thang một mình ở chợ Đà Lạt để ăn khuya thì thấy các thầy. Mấy người đàn ông buổi tối tụ tập chỉ uống sữa đậu nành chứ không hề có món ăn hay rượu bia gì cả. Mình cứ thấy mắt mình cay cay.

Các bạn khoan vội nói các thầy keo kiệt. Vì lúc đoàn từ Đà Lạt trở về Cần Thơ thì các thầy thông báo là sau khi trừ hết chi phí thì đoàn còn dư tiền. Các thầy đã đưa lại cho thủ quỹ ở từng xe để gửi lại các bạn. Nhưng các bạn nên góp nhau một ít để biếu tài xế và lơ xe. Vậy là ở từng xe, mọi người hùn nhau tặng cho tài xế 1.000.000đ, còn lơ xe 500k (con số có thể không chính xác). Cuối cùng là mỗi bạn được nhận lại 200k (hay 250k) tiền dư. Thì ra các thầy tiết kiệm vì sợ sinh viên tốn tiền. Trong đó, có một thầy bình thường dạy rất khó tính nhưng lại mang theo một can rượu 10l và một cái ly. Thầy uống với mỗi bạn một ly. Hihi, một mình thầy cân hơn 200 sinh viên, đến lúc thầy uống với mình thì thầy cũng xỉn ngà ngà rồi í. Rượu thuốc thầy tự mang theo, một đồng của sinh viên cũng không tiêu phí.

Thầy dạy môn thay thế luận văn của mình cũng rất đáng yêu. Thầy nói rằng do lớp có nhiều bạn học ngành 2, nhiều bạn đã đi làm nên thầy dù các bạn vắng mặt nhiều thì thầy vẫn không cấm thi.Vì trường mình quy định là vắng mặt hơn 30% số tiết sẽ bị cấm thi. Thầy điểm danh bạn có mặt thì được cộng điểm, nếu không thì chỉ không có điểm chuyên cần chứ không bị cấm thi. Như vậy mới công bằng cho các bạn chăm chỉ, nhưng không quá khắt khe với những người bận việc mà vẫn hiếu học.

Kỷ niệm của mình

Rồi thì mình cũng đã tốt nghiệp. Đã 6 năm từ ngày mình rời khỏi trường. Và đã 3 năm từ lần cuối thăm trường. Mình vốn là một sinh viên rất mờ nhạt giữa hàng ngàn sinh viên khác. Có thể sau này, mình sẽ không còn nhớ được gì nữa, nhưng mình sẽ không bao giờ quên mình rất hạnh phúc vì được trưởng thành trong một môi trường tốt đẹp như vậy.

Tháng 4.2014

(*) Bài viết là những cảm nhận chân thật của mình, tuy nhiên, mình xin phép giấu tên các nhân vật. Lý do là vì mình không biết các thầy cô có thích được xuất hiện trong bài viết của mình không. Mình sợ thầy cô không vui khi mình đăng tải bài công khai như thế này. Mong bạn đọc thông cảm.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.